Lượt xem: 839

Phát huy hiệu quả các chính sách dân tộc

Công tác dân tộc và chính sách dân tộc luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đề ra nhiều chủ trương, chính sách phát triển nhằm đẩy mạnh kinh tế - xã hội vùng dân tộc phát triển. 5 năm qua, nhờ thực hiện hiệu quả công tác dân tộc và các chính sách dân tộc, Sóc Trăng đã tạo được bước chuyển biến tích cực trong công tác giảm nghèo, thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số ngày càng phát triển.



UBND tỉnh tổ chức Họp mặt nhân dịp tết Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer. Ảnh: H.Lan

    Sóc Trăng là tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, với 35,41% đồng bào dân tộc thiểu số (trong đó, dân tộc Khmer chiếm 30,18%, dân tộc Hoa chiếm 5,20% còn lại 25 dân tộc khác chiếm 0,03%) nên hầu hết các chính sách dân tộc do Đảng, Nhà nước ban hành tỉnh đều được thụ hưởng. Cụ thể hóa các chính sách dân tộc bằng các chủ trương, giải pháp, tỉnh tập trung phân bổ các nguồn lực, hướng dẫn các địa phương thực hiện có hiệu quả chương trình phát triển kinh tế - xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nổi bật là Chương trình 135, Chương trình 30a… Góp phần đáng kể vào sự tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh, thúc đẩy phát triển sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hóa, đặc biệt đời sống vật chất, tinh thần của người dân nói chung, đồng bào Khmer nói riêng có sự thay đổi rõ nét; an ninh, trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo, tình đoàn kết giữa các dân tộc ngày càng bền chặt.

    Chương trình 135 là một chính sách lớn của Đảng và Nhà nước dành cho các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc. Trong giai đoạn 2014-2019, tỉnh đã hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất cho người dân các xã, ấp đặc biệt khó khăn và thực hiện chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững với tổng kinh phí trên 357 tỉ đồng. Thực hiện Chương trình 30a, 90 tỉ đồng đã được đầu tư để đầu tư kết cấu hạ tầng, phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững; qua đó, các địa phương đã triển khai thực hiện 132 dự án, công trình và hỗ trợ 1.000 hộ dân phát triển sản xuất. Nhờ đó, đời sống của người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc được cải thiện rõ nét, cảnh ngăn sông cách chợ đã dần trở thành quá khứ, thay vào đó là những con đường nhựa, bê tông thẳng tắp, ngôi trường khang trang mái đỏ, tạo thuận lợi cho giao thương hàng hóa, việc đi lại, học hành của con em người dân được thuận tiện. Trong 5 năm qua, toàn tỉnh có 12.300 hộ, trong đó có 5076 hộ dân tộc thiểu số được hỗ trợ nhà ở theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg và số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với tổng số tiền hàng trăm tỉ đồng. Bên cạnh đó, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể tập trung hỗ trợ đồng bào thiểu số về đất ở; cây, con giống để phát triển sản xuất; chuyển đổi ngành nghề; đào tạo nghề, giới thiệu việc làm… phù hợp với từng hoàn cảnh gia đình, nhu cầu của từng hộ, nhờ đó nhiều hộ đã thoát cảnh nghèo khó. Tính đến cuối năm 2018, tổng số hộ dân tộc thiểu số nghèo chỉ còn 16,8% (trong đó 12,98% hộ dân tộc Khmer, 3,82% hộ dân tộc Hoa).

    Không chỉ triển khai thực hiện đồng bộ, kịp thời các chính sách dành cho vùng đặc biệt khó khăn, vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số, trong thời gian qua tỉnh đầu tư hàng ngàn tỉ đồng để xây dựng các công trình thủy lợi phục vụ phát triển sản xuất và các công trình giao thông, y tế, giáo dục được xây mới và cải tạo… Những công trình này góp phần giúp 98,2% người dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh; 99,1% xã có đường ô tô đến trung tâm xã; 100% các xã có trường, lớp học kiên cố và duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học; 100% xã có trạm y tế, trong đó có 96% xã đạt bộ tiêu chí quốc gia; 100% xã có trụ sở làm việc; 85,32% xã, phường có nhà văn hóa và 88,26% khóm, ấp có nhà sinh hoạt cộng đồng… Qua đó, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, nhất là đối tượng người dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, góp phần tích cực trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Bên cạnh đó, bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số luôn được giữ gìn và phát huy. Các thiết chế văn hóa của đồng bào dân tộc được tỉnh quan tâm đầu tư hàng tỉ đồng/năm để trùng tu, xây dựng. Việc bảo tồn các di tích lịch sử, di sản văn hóa phi vật thể, phát triển ngôn ngữ, chữ viết được coi trọng.


Niềm vui của hộ Khmer khi được hỗ trợ nhà ở. Ảnh: H.Lan

    Toàn tỉnh có 152 trường dạy chữ Khmer, 5 trường dạy tiếng Hoa; hiện tỉnh đang có chính sách hỗ trợ giáo viên dạy chữ Khmer và chữ Hoa trên địa bàn tỉnh, góp phần gìn giữ chữ viết, tiếng nói của đồng bào dân tộc thiểu số. Các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào dân tộc thiểu số được tỉnh quan tâm tổ chức thường xuyên, nổi bật là như tết Nguyên tiêu, lễ vía Bà, tết Trung thu (dân tộc Hoa); tết Chôl Chnăm Thmây, lễ hội Oóc Om Bóc - Đua nghe Ngo đã được nâng tầm quy mô cấp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long - Đây là niềm tự hào không chỉ của riêng đồng bào Khmer mà của cả người dân trong tỉnh. Song song đó, tỉnh thực hiện tốt chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số cũng như bố trí kinh phí thực hiện chính sách thăm hỏi, động viên người có uy tín khi ốm đau, chúc mừng lễ, tết dân tộc, họp mặt biểu dương, khen thưởng… Qua đó, người có uy tín phát huy tốt vai trò, nhiệm vụ của mình trong công tác tuyên truyền, vận động bà con dân tộc thiểu số thực hiện tốt các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và là cầu nối quan trọng giữa các cấp ủy đảng, chính quyền thông qua phản ánh những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân được các cơ quan xem xét, giải quyết kịp thời, thỏa đáng, bà con dân tộc thiểu số ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước.

    Thông qua việc thực hiện các chính sách dân tộc, kết cấu hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn, xã đông đồng bào dân tộc thiểu số từng bước được đầu tư, hoàn thiện, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng phát triển. Những tâm tư, nguyện vọng và những bức xúc trong đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số được các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể cầu thị lắng nghe và quan tâm giải quyết. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc tiếp tục được tăng cường và củng cố; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm. Đồng bào dân tộc thiểu số yên tâm, phấn khởi và tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo đúng đắn Đảng; tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, hăng hái lao động sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, góp phần cùng Đảng bộ, chính quyền tỉnh thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đưa Sóc Trăng vươn lên tóp phát triển trung bình khá trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
H.Lan


Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 83
  • Hôm nay: 6886
  • Trong tuần: 77,593
  • Tất cả: 11,800,913